Thích Quảng Đức
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hòa thượng Thích Quảng Đức, tên tục là Lâm Văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Song thân là Lâm Hữu Ứng và Nguyễn Thị Nương.
Ông xuất gia sớm từ khi lên bảy, tu học với người cậu ruột là Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm. Thích Hoằng Thâm cũng nhận Quảng Đức làm con và do đó ông có thêm tên tục là Nguyễn Văn Khiết.
Năm lên 20, sau khi thọ Tỳ kheo giới, ông lên núi tại Ninh Hoà, cắt mọi liên lạc với người ngoài để tu học trong vòng 3 năm.
Mục lục |
[sửa] Hành trạng
Sau khi tu học ở núi, ông rời núi và du hành khất thực khắp nơi thêm hai năm nữa mới bắt đầu đi hoằng pháp. Năm 1934, ông vào miền Nam hành đạo và từng sang Campuchia để nghiên cứu thêm kinh điển Theravada.
Trong suốt 20 năm từ 1932, ông đã khai tự hay trùng tu được tất cả 31 chùa trong đó có 14 ngôi chùa ở miền Trung số còn lại ở miền Nam.
Chức vụ cao nhất mà Hòa thượng từng có là Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Việt Nam, đây chính là Thượng toạ bộ (Theravada) Phật giáo.
[sửa] Tự thiêu vì đạo
Trong thời gian chính phủ Ngô Đình Diệm cầm quyền, chính quyền này đã thi nhiều chính sách có tính đàn áp Phật giáo. Để góp phần đấu tranh bảo vệ sự sinh tồn của Phật giáo miền Nam, cũng như đòi hỏi chính phủ thực hiện nguyện vọng giải tỏa các ngôi chùa tại Huế đang bị bao vây, Thích Quảng Đức đã có một quyết định tối hậu: Tự thiêu cho đạo pháp.
Vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, trong cuộc biểu tình của hơn 1000 tăng ni tại Sài Gòn để đưa ra yêu sách về việc "Bình đẳng tôn giáo", Hòa thượng đã tự tẩm xăng ngồi kiết già tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là là góc đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám) rồi tự tay châm lửa.
[sửa] Lá thư Tâm nguyện
Sau đây là lời tâm nguyện của Hòa Thượng Thích Quảng Đức trước lúc tự thiêu: (Trích toàn văn)
- Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận ( Gia Định).
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:
- Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
- Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
- Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đâi Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.
- Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật
- Làm tại Chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão
- Tỳ kheo Thích Quảng Đức
- Kính bạch
[sửa] Tóm tắt các hoạt động chính
Sau đây là bảng tóm lược các hoạt động của Hòa thượng Thích Quảng Đức (theo tài liệu của TS Lê Mạnh Thát)
- 1897 Thích Quảng Đức chào đời
- 1903 Đến ở với tổ và đổi tên là Nguyễn Văn Khiết
- 1907 Tổ Hoằng Thâm đổi chùa Thánh Kinh làm chùa Long Sơn, đúc đại hồng chung và đem 6 mẫu ruộng chùa Long Sơn cúng cho chùa Long Hoa và tổ đình Linh Sơn
- 1914 Được gởi vào chùa Linh Sơn ở Cam Ranh tham học với thiền sư Thiện Tường
- 1917 Làm tri sự chùa Long Sơn
- 1925 Vào tổ đình Thiên Bửu, tham học với thiền sư Thanh Chánh Quảng Đạt Phước Tường (1867-1932)
- 1927 Nhập thất tại Núi Đất
- 1933 Trụ trì chùa Thiên Ân
- 1935 Dựng chùa Thiên Lộc tại Núi Đất
- 1936 Trụ trì chùa Thiên Lộc cùng năm làm chứng minh cho hội Phật học Ninh Hoà và có thời gian đến trụ trì chùa Khánh Long
- 1937 Khai sơn chùa Long Hà
- 1940 Trụ trì chùa Linh Sơn
- 1941 Trùng tu tổ đình Linh Sơn và chứng minh cho chùa Bảo Sơn dựng lại
- 1942 Chủ trì đón nhận bằng sắc tứ tổ đình Linh Sơn
- 1944 Trùng tu chánh điện tổ đình Linh Sơn và mở rộng đất tổ đình.
[sửa] Phóng sự
Phóng viên David Halberstam viết trên tờ New York Times: |
|
[sửa] Vài dữ kiện sau khi tự thiêu

- Đền thờ ông hiện còn ở Huế.
- Sau khi mất, xác ông được đem hỏa thiêu. Trong lúc thiêu, trái tim ông co lại nhưng vẫn còn nguyên. Nó được xem như là một thánh vật và được cất giữ cẩn thận.
- Ban nhạc Rock Rage Against the Machine trong thập niên 1990 đã cho in hình tự thiêu của Thích Quảng Đức trên bìa một album của họ.
- Bà Ngô Đình Nhu, được xem như đệ nhất phu nhân thời bấy giờ, đang công du Hoa Kỳ với mục đích "giải độc" các tuyên truyền của các lực lượng chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đã phát biểu ý kiến của bà trong một cuộc họp báo về cuộc tự thiêu này. Trong đó bà dùng các từ như "barbecued monk, barbecue monk show"... (nướng sư) và tuyên bố là Thích Quảng Đức đã bị cho thuốc ("intoxicated") trước đó. Hậu quả là bà đã bị gán cho biệt danh Dragon Lady.
- Đêm 20 tháng 8 năm 1963, Ngô Đình Diệm lại ra lệnh tấn công vào các chùa, bắt giam nhiều Tăng Ni, kể cả các người lãnh đạo Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam tại Chùa Xá Lợi. Đặc biệt, họ đã tìm cách tịch thu trái tim của Hòa thượng Quảng Đức tại chùa Xá Lợi nhưng nó đã sớm được đưa đi cất giấu nơi khác.