Thiên văn học
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiên văn học là một ngành khoa học thiên về nghiên cứu, quan sát và giải thích các sự việc, hiện tượng, vật thể nằm ngoài trái đất và bầu khí quyển của nó. Nó nghiên cứu nguồn gốc, bản chất, sư tiến hoá, bản chất lý hoá của các vật thể đó và các quá trình liên quan đến chúng; thí dụ như các ngôi sao, các hành tinh của Thái Dương Hệ cũng như của các ngôi sao khác trong vũ trụ, các vệ tinh quay chung quanh các hành tinh này, sự vận hành và phát triển của chúng v.v....
Một ngành quan trọng của thiên văn học là vật lý thiên văn, cũng là một ngành của vật lý học, dùng để giải thích các quá trình xẩy ra trong vũ trụ bằng các định luật vật lý. Do đó, hầu như tất cả các nhà thiên văn học đều có nền tảng vững chắc về vật lý. Tuy nhiên, thiên văn học cũng là một khoa học mà số người nghiên cứu tài tử đã tham gia và đóng góp rất nhiều không thua gì các chuyên gia khoa học.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử tóm tắt
Thiên văn học là một khoa học cổ đã có ở Ai Cập và Trung Hoa từ thời thượng cổ. Vào lúc đầu thiên văn học chỉ bận rộn với sự vận hành của các thiên thể như Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh gần. Sau đó là những hiện tượng ly kỳ hơn như nhật thực và nguyệt thực. Nhất là sự hiện diện của các sao chổi đã được để ý kỹ lưỡng bởi nhiều nền văn minh. Mặc dù vậy, ngay chính lúc đó thiên văn học vẫn chỉ nằm trong phạm vi của những thiên thể có thể quan sát được bằng mắt trần.
Cho đến thời kỳ Phục Hưng thì Nicolaus Copernicus (Ni-cô-lai Cô-péc-níc) (1473-1543) đưa ra một quan điểm mới: mặt trời là trung tâm của Thái Dương Hệ. Trước đó, dưới áp lực khắt khe của Tòa thánh Vatican, mọi người đều tin tưởng vào một quan điểm thật bảo thủ của Aristotle (A-rít-tốt) (384 TCN-322 TCN) cho rằng Trái Đất là trung tâm của tất cả mọi thứ trong vũ trụ - ngay cả Mặt Trời cũng quay chung quanh nó. Quan điểm nhật tâm của Copernicus đã được bảo vệ bởi Galileo Galilei (Ga-li-lê-ô Ga-li-lê) (1564-1642) khi ông dùng kính viễn vọng quan sát được các vệ tinh của Mộc Tinh quay xung quanh hành tinh này, thay vì xung quanh Mặt Trời. Johannes Kepler (Giô-han Kép-lơ) (1571-1630) là người đầu tiên miêu tả sự vận hành của các hành tinh xung quanh Mặt Trời bằng các định luật Kepler. Isaac Newton (I-xắc Niu-tơn) (1642-1727), sau đó, đã chứng minh hoàn toàn các định luật của Kepler bằng toán học.
Từ đó đến nay các tiến triển về thiên văn đã có những bước nhẩy vọt dựa vào các kỹ thuật mới, như viễn vọng kính Hubble, ra-đa, radio v.v., và sự thám hiểm không gian của các phi thuyền, có hay không có người lái. Một nhánh chính của thiên văn học, rất mới và được rất nhiều bộ óc thông thái để ý đến, là vũ trụ học. Vũ trụ học nghiên cứu về trạng thái nguyên thủy của vũ trụ, về những lý do đã đưa vũ trụ đến trạng thái hiện đại và trong tương lai vũ trụ sẽ như thế nào. Vũ trụ học không những đã mang vật lý vào trong thiên văn học mà còn cả triết lý, hay đôi khi là cả tín ngưỡng vào trong phạm vi của nó nữa.
[sửa] Người nổi tiếng
[sửa] Tham khảo
Tiếng Việt:
- Phạm Viết Trinh (ch.b), Phan Văn Đồng, Nguyễn Đình Huân, Từ điển bách khoa thiên văn học, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1999, 429tr
- Stephen Hawking, Lược sử thời gian: Từ Vụ nổ lớn đến các lỗ đen, Cao Chi và Phạm Văn Thiều dịch, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1995; tái bản: Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, 299tr; bản online
- Trịnh Xuân Thuận, Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2001, 383tr
- Nguyễn Quang Riệu, Lang thang trên dải Ngân Hà, Nxb Văn hóa Thông tin, 1997, 119tr
- Nguyễn Quang Riệu, Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Nxb Văn hóa Thông tin, 1998, 243tr
Tiếng Anh:
- David Morrison, Sidney Wolff, Andrew Fraknoi, Abell's Exploration of the Universe, Saunders College Publishing, 1995
[sửa] Liên kết ngoài
Khoa học tự nhiên |
---|
Toán học • Vật lý học • Hóa học • Sinh học • Khoa học Trái Đất • Thiên văn học |