Việt Nam Quốc dân đảng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|
Việt Nam Quốc dân đảng (chữ Hán: 越南國民黨) là một chính đảng của Việt Nam trước 1975. Sau 1975, đảng này hoạt động giới hạn bên ngoài Việt Nam.
[sửa] Quá trình thành lập
Trong thập niên 1920, dưới ách thống trị hà khắc và sự đàn áp dữ dội của thực dân Pháp với phong trào chống Pháp, Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường Cao đẳng Thương mại Hà Nội, đã cùng một số người Việt yêu nước khác như Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc... bí mật thành lập một tổ chức đấu tranh cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân giành độc lập và tự do cho dân tộc.
Hạt nhân đầu tiên là Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản tiến bộ do Phạm Tuấn Tài làm chủ bút. Ban đầu chưa có đường lối hoạt động rõ ràng, sau đó do ảnh hưởng của phong trào dân tộc dân chủ ở Trung Quốc, đặc biệt là chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn (là một sáng lập viên của Trung Quốc Quốc Dân Đảng), nên vào đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1927 (có tài liệu nói là 25 tháng 9) những thành viên của hội đã tiến hành đại hội thành lập chính đảng cách mạng, tại làng Thể Giao, Hà Nội.
[sửa] Tổ chức
Tên gọi | Việt Nam Quốc dân đảng |
Ngày thành lập | Ngày 25 tháng 12 năm 1927 |
Tôn chỉ |
|
Nhiệm vụ | Cách mạng dân tộc, cách mạng xã hội, xây dựng nền dân chủ trực tiếp |
Ý nghĩa đảng kỳ |
|
Lời thề đảng viên |
"Trước giang sơn Tổ quốc, trước các anh em đồng chí, tôi tên là...tuổi, nguyên quán... Bí danh...hân hạnh được gia nhập VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG. Tôi xin thề:
Nếu trái lời thề, tôi xin chịu tội tử hình. |
Đại hội bầu ra ban lãnh đạo gồm:
- Nguyễn Thái Học: Chủ tịch Tổng bộ
- Nguyễn Thế Nghiệp: Phó Chủ tịch
- Phó Đức Chính: Trưởng Ban Tổ chức
- Nhượng Tống: Trưởng Ban Tuyên truyền
- Nguyễn Ngọc Sơn: Trưởng Ban Ngoại giao
- Đặng Đình Điển: Trưởng Ban Tài chánh
- Nguyễn Hữu Đạt: Trưởng Ban Giám sát
- Trương Dân Bảo: Trưởng Ban Trinh sát
- Hoàng Văn Tùng: Trưởng Ban Ám sát
Riêng Ban Binh vụ khuyết.
Sau khi thành lập, Việt Nam Quốc dân Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển cơ sở trong các tầng lớp dân chúng trên cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Đảng đã liên lạc và sáp nhập thêm tổ chức Việt Nam Dân quốc ở Bắc Giang do Nguyễn Khắc Nhu đứng đầu. Gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng còn có thêm các nhóm nhân sĩ và trí thức yêu nước ở Bắc Ninh do Nguyễn Thế Nghiệp tổ chức, nhóm khác ở Thanh Hoá do Hoàng Văn Đào đứng đầu, một nhóm ở Thái Bình do Hà Đình Điển tổ chức và một nhóm ở Sài Gòn do Trần Huy Liệu đứng đầu. Cơ sở tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng phát triển tương đối nhanh trong năm 1928 và đầu năm 1929, thu hút hàng nghìn thanh niên trí thức, công chức và binh lính Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp. Việt Nam Quốc dân Đảng cũng cử người bắt liên lạc với Hội Việt Nam Kách mệnh Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng để bàn thảo việc thống nhất về tổ chức và phối hợp hoạt động vì mục đích giải phóng dân tộc.
Thành phần đảng chủ yếu bao gồm: tiểu thương, tiểu chủ, binh lính người Việt trong quân đội Pháp, thân hào địa chủ.
Do thành phần quá phức tạp, chưa gây dựng đuợc cơ sở của đảng trong công nhân và nông dân bởi vậy thực dân Pháp đã lợi dụng điều này để cài người vào tổ chức.
[sửa] Lịch sử
[sửa] Giai đoạn 1927-1930
- Ám sát Bazin: Bazin là một tay thực dân chuyên dụ dỗ, bắt cóc dân nghèo tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đi làm phu cho các đồn điền cao su tại Nam Kỳ, Miên, Lào, nơi những người phu này bị đối xử như nô lệ. Ngày 9 tháng 2 năm 1929, ba đảng viên của Việt Nam Quốc dân đảng là Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung đã xử tử Bazin tại Chợ Hôm, Hà Nội. Người Pháp đàn áp trả đũa khắp nơi.
- Khởi nghĩa Yên Bái: Trước tình hình trong hàng ngũ đảng có phản bội, công việc chuẩn bị khởi nghĩa bị bại lộ, thực dân Pháp càn quét các khắp nơi, nhiều đảng viên bị bắt. Mặc dù không tin chắc vào thắng lợi nhưng với quan điểm "Không thành công thì thành nhân" ngày 10 tháng 2 năm 1930 Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức khởi nghĩa tại nhiều nơi ở phía Bắc như Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, Hà Nội, Đáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình... Tuy nhiên, do tin tức bị lộ nên cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra thực sự ở Yên Bái.
Do lực lượng yếu, thiếu phương tiện liên lạc cuộc khởi nghĩa thất bại sau khi gây tổn thất cho quân Pháp. Ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt. Lúc 5 giờ 35 sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại pháp trường Yên Bái, Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt sĩ khác là: Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên bình thản bước lên đoạn đầu đài và trước khi chết đã hô to "Việt Nam vạn tuế". (Hiện nay Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các đồng chí nằm ngay tại thị xã Yên Bái được nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa). Nguyễn Thị Giang (tức Cô Giang - hôn thê của Nguyễn Thái Học) cũng tuẫn tiết theo. Sau đó Pháp tiếp tục xử tử, bỏ tù khổ sai và lưu đầy biệt xứ nhiều đảng viên khác. Riêng Nhượng Tống trốn thoát. Một số đảng viên khác sang Trung Quốc, giữ gìn cơ sở.
[sửa] Giai đoạn 1931-1946
Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, nhiều đảng viên trốn thoát đã cố gắng xây dựng lại lực lượng. Tuy nhiên, lực lượng của Việt Nam Quốc dân đảng bị phân hóa thành rất nhiều nhóm như: nhóm Hà Nội (Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng) với lãnh tụ Nguyễn Thế Nghiệp, Ngô Thúc Địch, Nhượng Tống, nhóm Quảng Nam với lãnh tụ Phan Khôi, Phan Kích Nam. Một số khác như Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình ly khai, hợp tác với Việt Minh hoặc xây dựng lực lượng riêng. Số đảng viên ở Trung Quốc cũng bị phân hóa thành nhiều nhóm như nhóm Nam Kinh, Quảng Châu, Quý Châu, nhưng mạnh nhất là nhóm Côn Minh (Hải ngoại bộ) với lãnh tụ Vũ Hồng Khanh.
Bên cạnh đó, tinh thần của cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng đã làm dấy lên mạnh mẽ phong trào đấu tranh theo chủ nghĩa Quốc dân. Hàng loạt các đảng phái Quốc dân ra đời, mạnh nhất là Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội do Nguyễn Hải Thần sáng lập năm 1936, Đại Việt Quốc dân đảng do Trương Tử Anh (1914-1946) sáng lập 1938, Đại Việt Dân chính đảng do Nguyễn Tường Tam sáng lập năm 1938.
Tháng 5 năm 1945, tại Trùng Khánh (Trung Quốc), Việt Nam Quốc dân đảng hợp nhất với Đại Việt Quốc dân đảng (lãnh tụ Trương Tử Anh) và Đại Việt Dân Chính đảng (lãnh tụ Nguyễn Tường Tam) thành một tổ chức mới, ở trong nước thì lấy tên là Đại Việt Quốc Dân Đảng, còn ở Trung Quốc thì lấy tên là Quốc Dân Đảng Việt Nam, tránh dùng danh xưng Đại Việt vì lý do tế nhị trong giao tế với bạn đồng minh Trung Hoa. Sau đó các đại biểu của 3 đảng kết hợp trong tổ chức mới lên Trùng Khánh gặp Bí thư Trưởng Trung Quốc Quốc Dân Đảng Ngô Thiết Thành, yết kiến Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, và dự lễ liên hoan do Quốc Dân Đảng Trung Quốc tổ chức chào mừng Quốc Dân Đảng Việt Nam.
Năm 1945, Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) dưới sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa trở về Việt Nam. Việt Quốc đã đánh chiếm Lào Cai và cướp chính quyền ở Sa Pa.
Ngày 15 tháng 12 năm 1945, ở phố Jambert, khu Ngũ Xã (Hà Nội), thực hiện nghị quyết Trùng Khánh, Mặt trận Quốc dân đảng Việt Nam gồm 3 đảng ra công khai, với tên gọi chung là Việt Nam Quốc dân đảng, với Trương Tử Anh làm Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh làm Bí thư trưởng và Nguyễn Tường Tam làm Tổng thư ký. Phần chỉ huy tối cao bí mật có: Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam.
Tại Hà Nội, Việt Nam Quốc dân đảng ra tuần báo Chính nghĩa và nhật báo Việt Nam.
Ngày 19 tháng 11 năm 1945, tướng Tiêu Văn đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị hòa giải có Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội và Việt Minh tham gia. Sau khi bàn bạc, cả ba phái đều thỏa thuận thành lập một Chính phủ liên hiệp, quân đội các bên không dùng vũ lực giải quyết những vấn đề bất đồng, đồng thời chấm dứt việc công kích nhau trên báo chí. Ngày 24 tháng 11, đại biểu ba đảng trên lại gặp nhau và ký vào bản "Đoàn kết tinh thành". Kết quả là Việt Quốc có 50 ghế đại biểu Quốc hội không qua bầu cử và Nguyễn Tường Long, người của Việt Quốc được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế trong Chính phủ liên hiệp lâm thời.
Ngày 24 tháng 2 năm 1946, tại Đại sứ quán Trung Hoa, dưới sự chủ trì của tướng Tiêu Văn, hội nghị giữa các đảng phái Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách, Đảng Dân chủ đã thống nhất về việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến Ủy viên hội. Việt Cách và Việt Quốc nắm 4 bộ (Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội và Canh nông).
Ngày 2 tháng 3 năm 1946 Quốc hội họp, thảo luận và đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 thành viên, trong đó Hồ Chí Minh (Việt Minh) làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Việt Cách) làm Phó Chủ tịch; Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc) giữ Bộ trưởng bộ Ngoại Giao; Vũ Hồng Khanh là Phó Chủ tịch Kháng chiến uỷ viên hội và Chu Bá Phượng (Việt Quốc) đảm trách bộ Kinh tế.
Tuy nhiên, sự liên hiệp này rất lỏng lẻo. Tháng 7 năm 1946, nhân vụ án phố Ôn Như Hầu (Hà Nội), Việt Minh tấn công lực lượng của Việt Nam Quốc dân đảng. Các lãnh tụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh phải trốn sang Trung Hoa. Trương Tử Anh bị bắt cóc và thủ tiêu cuối năm 1946. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương thì lực lượng Quốc dân đảng đã bị tan rã. Bồ Xuân Luật thì theo Việt Minh.
[sửa] Giai đoạn 1947-1954
Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương và Trương Tử Anh chết, sự thống nhất của Mặt trận Quốc dân đảng bị tan vỡ, các đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng trở lại hoạt động dưới danh nghĩa Đại Việt. Các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng cố gắng tái tổ chức lại lực lượng tại Trung Quốc và một số vùng do Pháp kiểm soát. Ngày 17 tháng 2 năm 1947, Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, chống chính quyền Việt Minh, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 8 năm 1948, Hoàng Đạo qua đời tại Trung Quốc. Năm 1949 Nhượng Tống bị du kích Việt Minh ám sát vì cho là phản quốc tại Hà Nội. Từ đó, Việt Nam Quốc dân đảng lại phân hóa thành nhiều nhóm khác nhau, chủ yếu là 3 nhóm là nhóm Vũ Hồng Khanh, nhóm Nguyễn Tường Tam, nhóm Nguyễn Hòa Hiệp. Tuy nhiên, hoạt động cũng không còn thực lực như thời kỳ đầu nữa. Từ năm 1951, Nguyễn Tường Tam tuyên bố không tham gia hoạt động chính trị nữa và không thuộc bất kỳ đảng phái nào.
[sửa] Giai đoạn 1955-1963
Sau 1954, theo Hiệp định Genève, các lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng đều di chuyển xuống miền Nam. Năm 1955, nổ ra cuộc tranh giành quyền lực giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với các lực lượng đối lập, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng bị chính quyền đàn áp, bắt giam nhiều lãnh tụ. Một số có lực lượng quân sự như nhóm Nguyễn Hòa Hiệp do liên hiệp với Hòa Hảo nên bị quân Ngô Đình Diệm tiêu diệt. Nhóm Vũ Hồng Khanh chuyển hướng, hợp tác với chính quyền. Riêng nhóm Nguyễn Tường Tam, do vẫn còn uy tín trong đảng, chuyển hướng đối lập với chính quyền, cùng đường lối với đảng Đại Việt.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông chỉ huy cuộc đảo chính tại Sài Gòn. Lực lượng Việt Quốc và Đại Việt đối lập tham gia ủng hộ chính trị cho cuộc đảo chính. Do cuộc đảo chính thất bại, nhiều đảng viên bị bắt và cầm tù, chờ xét xử.
Ngày 26 tháng 2 năm 1962, 2 phi công Quân lực Việt Nam Cộng hòa là đảng viên Việt Quốc ném bom dinh Độc Lập mưu sát Ngô Đình Diệm bất thành. Phi công Nguyễn Văn Cử đào thoát sang Campuchia xin tỵ nạn chính trị. Phi công Phạm Phú Quốc bị bắn hạ và bị bắt. Vì sự biến này, chính quyền đã mở cuộc truy quét và bắt giữ nhiều đảng viên.
Ngày 8 tháng 7 năm 1963, tòa án quân sự đặc biệt được thành lập để xét xử những người liên can tới vụ đảo chính 1960 và vụ binh biến năm 1962. Nhiều đảng viên bị xử với nhiều mức án khác nhau. Riêng Nguyễn Tường Tam tự sát, để lại di ngôn nổi tiếng: "Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả".
[sửa] Giai đoạn 1963-1975
Sau đảo chính 1963, cả Việt Quốc và Đại Việt bắt đầu phục hồi lại. Đặc biệt, trong giai đoạn 1964-1965, liên minh 2 đảng tham gia trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn và Thủ tướng Phan Huy Quát. Tuy nhiên, khi chính quyền thuộc về tay nhóm các tướng trẻ, cả Đại Việt lẫn Việt Quốc đều bị hạn chế lực lượng, không thể phát triển mạnh mẽ và chỉ còn là một đảng đối lập thiểu số trong Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa.
[sửa] Giai đoạn sau 1975
Sau năm 1975, nhiều đảng viên đào thoát và tị nạn tại nước ngoài. Tổ chức trong nước hoàn toàn tan rã. Từ năm 1980, các đảng viên cũ và các đảng viên mới gia nhập ở nước ngoài đã tìm cách tổ chức lại đảng ở hải ngoại. Ngày 25 tháng 11 năm 1994, các đảng viên đã tổ chức việc thống nhất các hệ phái, tổ chức và hành động để thực hiện cương lĩnh của đảng kể từ lúc mới thành lập năm 1927. Tuy nhiên, chủ yếu hoạt động vẫn chỉ giới hạn ở hình thức vận động chính trị ở nước ngoài.