Bính âm Hán ngữ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hán ngữ bính âm (giản thể: 汉语拼音; phồn thể: 漢語拼音; bính âm: Hànyǔ pīnyīn), thường được đọc ngắn là bính âm (một số từ điển Hán Việt phiên là phanh âm) là một hệ thống Latinh hóa cho tiếng Quan Thoại phổ thông. Hán ngữ bính âm được phê chuẩn năm 1958 và được thi hành năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống bính âm Bưu điện, và thay thế hệ thống Chú âm trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Hoa lục địa.
Từ đó, Hán ngữ bính âm đã được chấp nhận bởi chính phủ Singapore, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Hội Thư viện Hoa Kỳ và hầu hết tất cả các tổ chức quốc tế để dùng làm cách Latinh hóa cho tiếng Quan Thoại. Trong năm 1979 Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã chọn bính âm làm hệ thống Latinh hóa chuẩn cho Hán ngữ (ISO-7098:1991).
Vào cuối những năm 1990, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đã lập ra bính âm thông dụng (chữ Hán: 通用拼音; pinyin: tōngyòng pīnyīn; âm Hán Việt: thông dụng bính âm), dựa trên Hán ngữ bính âm và có một số khác biệt so với Hán ngữ bính âm. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại Đài Loan.
Bính âm là một cách Latinh hóa, có nghĩa là nó dùng ký tự Latinh để biểu âm trong tiếng Quan Thoại. Cách hệ thống này dùng các ký tự Latinh để biểu âm khác với cách sử dụng của những ngôn ngữ khác dùng chữ cái Latin. Bính âm đã trở thành một công cụ hữu dụng trong việc viết Hán văn vào máy tính.
[sửa] Xem thêm
- Phiên âm Hán Việt
- Phiên thiết Hán Việt
- Bính âm thông dụng