Baruch Spinoza
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Triết học phương Tây Triết học thế kỉ 17 |
|
---|---|
Benedictus de Spinoza | |
Tên: de Spinoza | |
Sinh: 24 tháng 11, 1632 (Amsterdam, Hà Lan) | |
Mất: 21 tháng 2, 1677 (The Hague, Hà Lan) | |
Trường phái: Chủ nghĩa duy lý, sáng lập chủ nghĩa Spinoza | |
Các quan tâm chính | |
Luân lý học, Nhận thức luận, Siêu hình học | |
Quan niệm đáng lưu ý | |
Thuyết phiếm thần, Thuyết nhất nguyên trung hòa, Tự do tôn giáo và tri thức/sự tách biệt giữa Nhà thờ và Nhà nước, Criticism of Mosaic authorship of certain Old Testament books, Xã hội chính trị xuất phát từ quyền lực, không phải khế ước | |
Chịu ảnh hưởng từ | Có ảnh hưởng tới |
Hobbes, Descartes, phái khắc kỷ, Avicenna, Maimonides, Nicholas of Cusa, Aristotle, Bacon, Plato | Kant, Hegel, Davidson, Schopenhauer, Deleuze, Einstein, Goethe, Nietzsche, Althusser, Hardt, Negri, Fromm |
Benedictus de Spinoza hay Baruch de Spinoza (24/2/1633 - 21/2/1677) là một nhà triết học người Hà Lan gốc Do Thái. Tên họ của ông có nhiều dị bản: Despinoza, d'Espinoza, de Spinoza, Spinoza, v.v...
Spinoza được coi là một trong những nhà duy lý vĩ đại nhất của triết học thế kỷ 17 và là một trong những nhà luân lý học có quan điểm dứt khoát (do cuốn Luân lý học - tác phẩm lớn được xuất bản sau khi ông qua đời). Các trước tác của ông, cũng như của các nhà duy lý khác, ông đã thể hiện khả năng và trình độ toán học cao. Spinoza sống bằng nghề mài kính, một ngành kỹ thuật đã được coi là rất lý thú vào thời đó - thời kỳ mà người ta đã thu được những phát kiến lớn từ kính viễn vọng. Phải một thời gian sau khi ông qua đời, sau khi cuốn Opera Posthuma của ông được xuất bản, hiệu ứng đầy đủ của các tác phẩm của ông mới được nhận ra. Ngày nay, ông được xem là người đã đặt nền móng cho thời kỳ Khai sáng của thế kỷ 18, và là người sáng lập của chủ nghĩa phê phán Kinh thánh hiện đại. Nhà triết học Gilles Deleuze của thế kỷ 20 gọi Spinoza là "Triết gia tuyệt đối, với cuốn Luân lý học của ông là cuốn sách lỗi lạc nhất về các khái niệm" (Deleuze, 1990).
Mục lục |
[sửa] Cuộc đời
Sau khi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào khoảng năm 1492, nhiều người Do Thái tìm cách tị nạn tại Bồ Đào Nha, nhưng tại đây, họ cũng phải lựa chọn giữa việc chấp nhận theo đạo Ki tô hay bị trục xuất tiếp. Spinoza sinh ra tại Amsterdam, Hà Lan. Cha mẹ ông, Miguel de Espinosa và Ana Débora, là người Do Thái Sephardic, thuộc cộng đồng những người Bồ Đào Nha gốc Do Thái của thành phố. Ana Débora là vợ hai của Miguel, bà qua đời khi Spinoza mới 6 tuổi. Họ là những người Marranos chạy trốn khỏi Bồ Đào Nha để tránh Tòa án Dị giáo Bồ Đào Nha và trở lại với Do Thái giáo. Một số người nói rằng thực ra gia đình Spinoza có tổ tiên ở Tây Ban Nha, những người khác lại cho rằng họ là những người Bồ Đào Nha gốc Do Thái đã chuyển đến Tây Ban Nha rồi quay lại quê cũ Bồ Đào Nha vào năm 1492. Tại Bồ Đào Nha, họ bị buộc phải cải đạo sang Công giáo vào năm 1498. Miguel de Spinoza, cha của Spinoza ra đời sau cuộc cải đạo cưỡng ép này 1 thế kỷ, tại Vidigueira, một thành phố nhỏ của Bồ Đào Nha gần Beja ở Alentejo. Khi cha Spinoza còn nhỏ, ông nội Spinoza là Isaac de Spinoza đã đưa cả gia đình đến Nantes, Pháp. Năm 1615, họ lại bị trục xuất và chuyển đến Roterdam, nơi Isaac qua đời năm 1627. Cha Spinoza cùng gia đình chuyển đến Amsterdam, nơi họ lấy lại tín ngưỡng Do Thái giáo của mình (Manuel thậm chí còn đổi tên thành Abraão de Spinoza, tuy vẫn giữ tên buôn bán như cũ). Cha Spinoza là một thương gia nhập khẩu phát đạt. Baruch được nuôi dạy theo truyền thống Do Thái chính thống; tuy nhiên, bản tính tò mò và tư duy phê phán của ông đã nhanh chóng xung đột với cộng đồng Do Thái. Sau khi các cuộc chiến tranh với Anh và Pháp làm tiêu hao tài sản của gia đình và sau cái chết của cha, cuối cùng ông đã có thể hoàn thành trách nhiệm với công việc kinh doanh và nợ nần với người anh trai Gabriel, và dành toàn tâm toàn ý cho triết học và quang học.
Ban đầu, ông đã bị tẩy chay do các quan điểm thách thức luật lệ Do Thái, các quan điểm này phê phán mạnh mẽ Talmud và các kinh sách khác. Nói chung, Do Thái giáo khá là khoan dung trong việc chấp nhận các hình tượng không điển hình về Chúa trời; tuy nhiên, Spinoza tin rằng Chúa trời là Thiên nhiên/Vũ trụ, một tư tưởng khác xa với bất cứ hình dung truyền thống nào về Chúa trời. Vào mùa hè năm 1656, ông nhận được cherem của cộng đồng Do Thái, (tương tự như sự rút phép thông công)[1], vì sự bội giáo trong cách ông nhận thức về Chúa trời. Các điều khoản của cherem này khá khắc nghiệt (xem [Kasher và Biderman]): nó không bao giờ được thu hồi. Sau khi bị rút phép thông công, ông lấy tên là Benedictus, phiên bản La Tinh của tên Baruch; cả hai đều mang nghĩa "được ban phúc". Ở quê hương Amsterdam, ông còn được biết với tên Bento de Spinoza, tên thân mật của ông.
Sau khi bị rút phép thông công, người ta kể rằng Spinoza đã sống và làm việc tại trường của Franciscus van den Enden, người đã dạy ông tiếng La tinh thời trẻ và có thể đã giới thiệu ông với triết học hiện đại, mặc dù Spinoza không lần nào nhắc đến Van den Enden trong sách và thư từ. Van den Enden là một người theo trường phái Descartes và vô thần, người bị chính quyền thành phố cấm công khai truyền bá các học thuyết của mình. Từ năm 1656, sau khi đã dành toàn tâm ý cho triết học, Spinoza mong muốn mãnh liệt thay đổi thế giới qua việc thiết lập một môn phái triết học bí mật. Do kiểm duyệt, điều này chỉ trở thành hiện thực sau khi ông qua đời, nhờ sự can thiệp của các bạn hữu của ông.
Trong thời kỳ này, Spinoza còn mở các mối quan hệ với một số người Collegiant, thành viên của một giáo phái phi giáo điều và tương giao giáo lý (interdenominational), với những xu hướng của chủ nghĩa duy lý và Arianism (quan điểm thần học của Arius về quan hệ giữa Chúa Cha và Jesus). Spinoza còn liên lạc với Peter Serrarius, một thương gia Kháng cách cấp tiến. Người ta tin rằng Serrarius đã có thời gian là người bảo trợ của Spinoza. Đến đầu thập niên 1660, Spinoza đã trở nên nổi tiếng, Gottfried Leibniz và Henry Oldenburg đã đến thăm ông. Ông còn giữ liên lạc với Oldenburg trong suốt phần đời còn lại. Tác phẩm đầu tiên của Spinoza được xuất bản là Tractatus de intellectus emendatione. Từ tháng 12 năm 1664 đến tháng 6 năm 1665, Spinoza trao đổi thư từ với Blyenbergh, một nhà thần học amateur theo chủ nghĩa Calvin, người đã chấn vấn Spinoza về định nghĩa của cái ác. Cuối năm 1665, ông thông báo với Oldenburg rằng ông đã bắt đầu viết một cuốn sách mới, cuốn Theologico-Political Treatise (Luận về thần học chính trị), xuất bản năm 1670. Đáng lưu ý rằng Leibniz đã bất đồng quan điểm sâu sắc với Spinoza trong cuốn Refutation of Spinoza (Phản bác Spinoza) của Leibniz.
Khi phản ứng của công chúng đối với cuốn Theologico-Political Treatise (được xuất bản giấu tên) trở nên cực kỳ bất lợi cho nhánh của ông về thuyết Descartes, Spinoza buộc phải ngừng xuất bản các tác phẩm của mình. Với một cuộc sống thận trọng và sung túc, ông đeo một chiếc nhẫn ấn khắc chữ viết tắt tên mình, một bông hồng, và từ "caute" (tiếng La Tinh, nghĩa là "thận trọng"). Luân lý học và tất cả các tác phẩm khác, trừ Principles of Cartesian Philosophy (Các nguyên lý của triết học Descartes) và Theologico-Political Treatise, đều được xuất bản sau khi ông qua đời, trong cuốn Opera Postuma, được bạn bè ông bí mật biên tập để tránh bản thảo bị tịch thu và hủy.
Khoảng năm 1661, Spinoza chuyển từ Amsterdam đến Rijnsburg (gần Leiden), sau sống tại Voorburg, rồi The Hague. Ông có cuộc sống đầy đủ từ nghề mài kính. Nhiều người kể rằng ông chế tạo những chiếc kính lúp tuyệt hảo, một số nhà sử học viết ông là một nhà làm kính mắt. Ông còn được giúp đỡ bởi những khoản tiền nhỏ nhưng định kỳ từ những người bạn thân. Ông qua đời năm 1677, trong khi vẫn đang nghiên cứu một luận đề chính trị. Cái chết sớm của ông là do bệnh phổi, có thể là bệnh nhiễm bụi silic, hậu quả của việc thở bụi thủy tinh bay ra từ những chiếc thấu kính mà ông mài. Chỉ một năm trước đó, Spinoza đã gặp Leibniz tại The Hague để bàn luận về tác phẩm triết học quan trọng nhất của ông, Luân lý học, được hoàn thành năm 1676 (Lucas, 1960). Spinoza chưa bao giờ kết hôn và ông không có con.
[sửa] Tổng quan về triết học Spinoza
Hệ thống triết học của Spinoza đã đưa trật tự và sự thống nhất vào truyền thống tư tưởng cấp tiến, đem lại vũ khí sắc bén cho việc chống lại "quyền lực được công nhận". Khi còn trẻ, đầu tiên ông đã theo học thuyết nhị nguyên của Descartes rằng tâm thức và thể xác là hai chất riêng biệt, nhưng về sau ông đã thay đổi quan điểm và khẳng định rằng chúng không tách biệt mà là một thực thể đơn nhất. Ông khẳng định rằng mọi thứ tồn tại trong Thiên nhiên/Vũ trụ đều là một Thực tại (chất), và chỉ có một tập luật quy định toàn bộ thực tại quanh ta mà ta là một phần của thực tại đó. Spinoza lý luận rằng Chúa trời và Thiên nhiên là hai cái tên của cùng một thực tại, đó là chất duy nhất - cái là cơ sở của vũ trụ, và là cái mà mọi "thực thể" kém hơn thực ra là các dạng thức (mode) và biến thể của nó; rằng việc mọi vật tồn tại và việc cái này là nguyên nhân gây ra cái khác đều là do Thiên nhiên quyết định; và rằng người ta chỉ hiểu được một phần của chuỗi nhân quả phức tạp. Ông còn cho rằng việc con người tự cho là mình có ý chí tự do là kết quả của nhận thức về lòng ham muốn trong khi không có khả năng hiểu được lý do tại sao họ lại muốn những gì mình muốn và hành động như những gì họ làm.
Spinoza khẳng định rằng "Deus sive Natura" ("Chúa trời hay Thiên nhiên") là một thực thể gồm vô hạn các thuộc tính, tư duy và phần mở rộng là hai thuộc tính trong đó. Từ đó, trong quan niệm của ông về bản chất của thực tại, hai thế giới vật chất và tinh thần có vẻ được xem là hai "thế giới con" tồn tại song song, không có phần chung nhau cũng như không giao nhau. Đây là một giải pháp phiếm tâm luận (panpsychist) quan trọng trong lịch sử để giải quyết vấn đề tâm-thân, giải pháp này được biết với tên thuyết nhất nguyên trung hòa (neutral monism). Các kết quả của hệ thống triết học Spinoza còn đem lại hình dung về một vị Chúa trời không cai trị vũ trụ bằng quyền năng, mà chính Chúa trời lại là một phần của hệ thống tất định mà mọi thứ trong thiên nhiên đều là một phần của hệ thống này. Do đó, Chúa trời là thế giới tự nhiên và không có tính cá nhân.
Spinoza đã là một người triệt để theo thuyết quyết định, ông cho rằng toàn bộ những gì xảy ra đều là qua hoạt động của tính cần thiết. Đối với ông, hành vi của con người là hoàn toàn được định trước, trong đó sự tự do là năng lực để biết rằng ta đã được định sẵn và để hiểu tại sao ta hành động như những gì ta làm. Do đó, tự do không phải khả năng từ chối những gì xảy đến với ta, mà là khả năng chấp nhận và hiểu biết đầy đủ về lý do tại sao mọi sự lại cần phải xảy ra như vậy. Bằng cách hình thành "đủ" ý niệm về hành động, cảm xúc hay tình cảm của mình, ta trở nên nguyên nhân "đầy đủ" của các kết quả của mình (nội tại hay ngoại vi), dẫn tới việc tăng tính chủ động (thay vì bị động). Điều đó có nghĩa là ta trở nên vừa tự do hơn vừa giống Chúa trời hơn, như tranh luận của Spinoza trong Scholium to Prop. 49, Phần II. Tuy nhiên, Spinoza còn khẳng định rằng mọi sự nhất thiết phải xảy ra như nó xảy ra. Do đó, không có ý chí tự do.
Triết học của Spinoza có nhiều điểm chung với chủ nghĩa khắc kỷ, ở chỗ cả hai trường phái triết học đều tìm cách thực hiện một vai trò chữa bệnh bằng cách hướng dẫn người ta cách đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, Spinoza có điểm khác biệt lớn đối với các triết gia khắc kỷ ở một khía cạnh quan trọng: ông phủ nhận hoàn toàn quan điểm rằng lý tính có thể chiến thắng cảm xúc. Ngược lại, ông khẳng định rằng một cảm xúc chỉ có thể bị thay thế hoặc làm mờ nhạt bởi một cảm xúc mạnh hơn. Đối với ông, điểm khác biệt cốt yếu là giữa các cảm xúc chủ động và bị động, cảm xúc chủ động là các cảm xúc được hiểu bằng lý tính, còn cảm xúc bị động thì không. Ông còn cho rằng tri thức về các nguyên nhân chân thực của cảm xúc bị động có thể biến nó thành một cảm xúc chủ động. Ở đây, ông đã thấy trước một trong các tư tưởng then chốt của phân tâm học Sigmund Freud.
Một số quan điểm triết học của Spinoza:
- Thế giới tự nhiên là vô hạn.
- Thiện và ác là các định nghĩa của Con người, không phải của thiên nhiên.
- Bất cứ điều gì mà con người và động vật làm đều là tuyệt vời và thần thánh.
- Mọi quyền lợi đều xuất phát từ Nhà nước.
[sửa] Luân lý học
Phần mở đầu tác phẩm Luận về sự nâng cao hiểu biết (Tractatus de intellectus emendatione) đã gói trọn cốt lõi của luân lý học Spinoza, cái mà ông cho là cái thiện chân thực và cuối cùng. Spinoza có một lập trường của người theo chủ nghĩa tương đối, rằng không có gì mà tự nó là tốt hay xấu, ngoại trừ mức độ tốt xấu chủ quan mà từng cá nhân nhận thức về nó. Sự vật chỉ là thiện hay ác theo cách mà con người muốn áp dụng các khái niệm này cho vật chất. Thay vào đó, Spinoza tin vào vũ trụ tất định của ông mà "mọi vật trong thiên nhiên tiến triển do một sự cần thiết nhất định với một sự hoàn hảo tột bực." Do đó, trong thế giới của Spinoza, không có gì xảy ra một cách tình cờ, và lý tính không có tác dụng cho sự tình cờ. Trong vũ trụ, bất cứ điều gì xảy ra đều xuất phát từ bản chất của các đối tượng, hay bản chất của Chúa trời/Thiên nhiên. Do đó, theo Spinoza, sự hoàn hảo là rất lớn. Nếu hoàn cảnh được xem là bất hạnh thì đó chỉ là do nhận thức không đầy đủ của ta về thực tại. Tuy các phần tử của chuỗi nhân quả không vượt ra ngoài tầm hiểu biết của lý tính con người, nhưng khả năng nắm bắt cái toàn thể vô cùng phức tạp lại có hạn, do các hạn chế của khoa học trong việc xem xét toàn bộ chuỗi nhân quả bằng thực nghiệm. Spinoza còn khẳng định rằng, tuy là cơ sở của mọi ý nhiệm, nhưng nhận thức bằng giác quan chỉ dẫn tới sai lầm, vì chúng ta không biết được những nguyên nhân quyết định ước muốn và hành động của mình. Khái niệm "conatus" của ông - bản năng sinh tồn và phát triển của con người, và khẳng định rằng sức mạnh của đức hạnh/con người được định nghĩa bởi thành công của ta trong việc bảo tồn sự sống theo hướng dẫn của lý tính, đó chính là học thuyết luân lý học trung tâm của ông; đức hạnh cao nhất là tình yêu tri thức hay tri thức về Chúa trời/Thiên nhiên/Vũ trụ. Trong phần cuối của tác phẩm Luân lý học, mối quan tâm của ông đến ý nghĩa của "sự ban phúc chân chính" (true bless), cùng với cách tiếp cận và giải thích độc đáo của ông về việc phải tách các cảm xúc phải khỏi nguyên nhân ngoại vi như thế nào để làm chủ được chúng, là những đoạn rất đặc biệt, với nội dung tiên đoán các kỹ thuật tâm lý của thế kỷ 20. Khái niệm của ông về ba loại tri thức - quan điểm, lý tính, trực giác - và khẳng định rằng tri thức trực giác mang lại sự thỏa mãn cao nhất về tâm thức, dẫn đến đề xuất của ông rằng chúng ta càng ý thức được về bản thân và Thiên nhiên/Vũ trụ thì ta càng hoàn hảo và hạnh phúc sung sướng (trong thực tại), và rằng chỉ có tri thức trực giác là vĩnh cửu. Spinoza đã có đóng góp lớn lao cho hiểu biết về sự hoạt động của tâm thức, ngay cả trong thời kỳ của các phát triển triết học cấp tiến, các quan điểm của ông đã tạo nên một chiếc cầu nối giữa quá khứ thần bí của các tôn giáo và tâm lý học của thời hiện đại.
[sửa] Tranh cãi về thuyết phiếm thần (Pantheismusstreit)
Năm 1785, Friedrich Heinrich Jacobi công bố một bài chỉ trích thuyết phiếm thần của Spinoza, sau khi Lessing được cho là đã thú nhận trên giường lâm chung rằng mình là người theo chủ nghĩa Spinoza, vào thời đó điều này tương đương với việc được gọi là người vô thần. Jacobi khẳng định rằng học thuyết của Spinoza là thuần túy duy vật chủ nghĩa, vì tất cả Thiên nhiên và Chúa trời đều được coi là chẳng là gì ngoài chất được mở rộng. Đối với Jacobi, điều này là kết quả của chủ nghĩa duy lý Khai sáng và nó sẽ đi đến kết cục là thuyết vô thần tuyệt đối. Moses Mendelssohn không đồng ý với Jacobi, ông cho rằng không có khác biệt thực sự nào giữa thuyết hữu thần và thuyết phiếm thần. Thời đó, toàn bộ vấn đề đã trở thành một mối quan tâm chính về tôn giáo và tri thức đối với nền văn minh Châu Âu. Nhưng Immanuel Kant đã phủ nhận, khi ông cho rằng các cố gắng để nhận thức thực tại siêu nghiệm sẽ dẫn đến sự tự mâu thuẫn trong tư duy.
Sự hấp dẫn của triết học Spinoza đối với người châu Âu vào cuối thế kỷ 18 là ở chỗ: nó cung cấp một sự thay thế cho chủ nghĩa duy vật, thuyết vô thần, và thần thánh. Họ đặc biệt bị cuốn hút bởi ba trong số các tư tưởng của Spinoza:
- sự thống nhất của tất cả những gì tồn tại;
- tính quy tắc của tất cả những gì xảy ra; và
- định danh của tinh thần và thiên nhiên.
"Chúa trời hay Thiên nhiên" của Spinoza đã mang lại một vị Chúa trời tự nhiên, sống động, đối lập với Nguyên nhân Đầu tiên mang tính cơ học của Newton (Newtonian mechanical First Cause) hay cơ chế chết của cái "Máy Con người" ("Man Machine") của người Pháp.
[sửa] Ảnh hưởng hiện đại
Châu Âu cuối thế kỷ 20 đã thể hiện một mối quan tâm lớn hơn về triết học Spinoza, thường từ một góc nhìn cánh tả hay Marxist. Các triết gia nổi bật như Gilles Deleuze, Antonio Negri, Étienne Balibar và triết gia người Brazile Marilena Chauí đã viết sách về Spinoza. Luận án tiến sĩ của Deleuze xuất bản năm 1968 gọi ông là "ông hoàng của các nhà triết học". (Deleuze, 1968). Các triết gia khác chịu ảnh hưởng lớn của Spinoza gồm có Constantin Brunner và John David Garcia. Stuart Hampshire viết một nghiên cứu lớn về Spinoza, tuy tác phẩm của H. H. Joachim cũng có giá trị ngang bằng. Không như các triết gia khác, Spinoza và các tác phẩm của ông đã được Nietzsche đề cao.
Spinoza còn có ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới của triết học. George Eliot, tiểu thuyết gia thế kỉ 19, đã dịch Luân lý học, bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh được biết đến. W. Somerset Maugham, tiểu thuyết gia thế kỉ 20, đã bóng gió nhắc tới khái niệm trung tâm của Spinoza trong tựa đề tiểu thuyết của ông, Of Human Bondage (Về sự trói buộc con người). Albert Einstein gọi Spinoza là nhà triết học đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới quan của ông. Spinoza đã đặt Chúa trời (chất vô hạn) với Thiên nhiên, thống nhất với niềm tin của Einstein vào một vị thần phi cá thể. Năm 1929, Rabbi Herbert S. Goldstein đánh điện hỏi Eistein về chuyện ông có tin vào Chúa trời hay không. Einstein đã trả lời bằng bức điện có nội dung "Tôi tin vào vị Chúa trời của Spinoza, vị Chúa thể hiện mình trong sự hài hòa trật tự của những gì tồn tại, tôi không tin vào một vị Chúa quan tâm đến số phận và hành động của con người."[1] Thuyết phiếm thần của Spinoza còn ảnh hưởng lên lý thuyết môi trường. Arne Næss, người khai sinh phong trào sinh thái sâu (deep ecology), đã thừa nhận rằng Spinoza là một nguồn cảm hứng quan trọng. Xa hơn nữa, nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges đã chịu ảnh hưởng lớn bởi thế giới quan của Spinoza. Trong nhiều bài thơ và truyện ngắn, ông liên tục nói bóng gió về tác phẩm của nhà triết học, không phải với vai trò một người ủng hộ các học thuyết của Spinoza, mà chỉ nhằm sử dụng các học thuyết này cho các mục đích mỹ học. Ông đã làm điều này nhiều lần với tất cả nhà triết học mà ông ngưỡng mộ.
Spinoza là một nhân vật lịch sử quan trọng tại Hà Lan, nơi chân dung của ông được vẽ trên tờ bạc 1000-guilder được dùng cho đến khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 2002. Giải thưởng khoa học cao quý nhất của Hà Lan có tên Spinozapremie (Giải thưởng Spinoza).
Các tác phẩm và nhân cách của Spinoza được nói đến trong cuốn sách của Matthew Stewart: The Courtier and the Heretic: Leibniz, Spinoza, and the Fate of God in the Modern World (Cận thần và kẻ dị giáo: Leibniz, Spinoza, và số phận của Chúa trời trong thế giới hiện đại) .
[sửa] Chú thích
- ▲ Cherem không hẳn là "rút phép thông công"; nó chỉ tuyên bố rằng không ai được nghe các học thuyết của cá nhân (tội lỗi) cụ thể này, và cộng đồng nên tránh xa anh ta.
[sửa] Liên kết ngoài
Tiếng Anh:
- Refutation of Spinoza by Leibniz In full at Google Books
- The Ethics An easily readable version.
- Vereniging Het Spinozahuis
- The Spinoza Net
- Spinoza and Spinozism - BDSweb
- A Theologico-Political Treatise -English Translation
- HyperSpinoza
- Internet Encyclopedia of Philosophy - Spinoza
- Immortality in Spinoza
- The Rationalists: Life, bibliography, links on Spinoza.
- Biography of Spinoza
- An Interview With Rebecca Goldstein, Author of "Betraying Spinoza: The Renegade Jew Who Gave Us Modernity" California Literary Review
- Stanford Encyclopedia of Philosophy:
- Dutch Spinoza Museum in Rijnsburg
- Tác phẩm của Baruch Spinoza tại Dự án Gutenberg
Dữ liệu nhân vật | |
---|---|
Tên | Spinoza, Baruch |
Tên khác | Spinoza, Benedictus de; Espinosa, Bento de; d'Espiñoza, Bento |
Tóm tắt | Dutch philosopher |
Lúc sinh | November 24, 1632 – February 21, 1677 |
Nơi sinh | Amsterdam |
Lúc mất | November 24, 1632 – February 21, 1677 |
Nơi mất |